Bài viết đề cập đến căn phòng bí mật nhất nước Mỹ, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết về nó..
Phòng Tình huống của Tòa Bạch Ốc, khu phức hợp an ninh bên dưới Cánh Tây, một trong những nơi an ninh và bí mật nhất thế giới, vừa cắt băng khánh thành với diện mạo mới sau cuộc đại tu lần đầu tiên sau 15 năm với ngân sách $50 triệu. Đầu Tháng Tám 2023, báo chí đã được mời đến tham quan…
Những gì diễn ra trong đó luôn nằm ngoài tầm quan sát báo chí và thậm chí Quốc hội. Và đó cũng là nơi nhiều trào chính phủ Mỹ chứng kiến những thời khắc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng, từ cuộc chiến Việt Nam, các cuộc đối đầu Liên Xô đến vụ khủng bố 11 Tháng Chín 2001. Phòng tình huống Tòa Bạch Ốc (White House Situation Room-WHSR) là đầu não xử lý gần như tất cả chiến dịch quân sự-ngoại giao của mọi nội các Hoa Kỳ từ năm 1961 đến nay…
Bên trong căn phòng bí mật 511m2
Thành lập năm 1961 khi cố vấn an ninh quốc gia McGeorge Bundy yêu cầu một nhóm công binh Hải quân đến cải tạo tầng hầm vốn dành chơi bowling thành một trung tâm chỉ huy tuyệt mật của Tòa Bạch Ốc, WHSR ra đời như một phản hồi sau sự kiện vịnh Con heo.
McGeorge Bundy tin rằng một trong những nguyên nhân khiến chiến dịch đổ bộ Cuba lật đổ Fidel Castro bất thành là do Tòa Bạch Ốc thiếu một trung tâm tiếp nhận thông tin có thể điều phối tổng quát để kết hợp tác chiến đồng bộ giữa CIA, Bộ Ngoại giao và Bộ Tổng tham mưu quân đội Hoa Kỳ. Việc Tổng thống John F. Kennedy được báo cáo chậm hàng giờ so với diễn tiến tình hình thực tế đã khiến sự chỉ đạo ứng chiến trở nên lúng túng và khó khăn.
Bundy muốn rằng từ nay, mọi điện tín cũng như tất cả dữ liệu khác phải được trình trực tiếp lên tổng thống cùng nhóm cố vấn cấp cao gần gũi nhất chứ không phải thông quan các sĩ quan liên lạc. Và không chỉ dành riêng cho các chiến dịch đơn lẻ, WHSR phải là nơi hoạt động thường trực với việc tiếp nhận đầy đủ thông tin từ tình báo đến ngoại giao được cập nhật từng phút. WHSR phải thật sự là bộ não của Tòa Bạch Ốc…
Thế là ngày 16 Tháng Năm 1961, Bundy viết một bản ghi nhớ gửi Tổng thống Kennedy, đề cập việc thành lập một trung tâm bên trong Tòa Bạch Ốc gọi là “Phòng tình huống”. Từ trung tâm này, Kennedy giờ đây phải được báo cáo hàng ngày các vấn đề an ninh quốc gia. Cuối cùng, WHSR với diện tích 460m2 ra đời (hiện giờ được mở rộng với 511 m2, tức khoảng 5,500 foot vuông), nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của Hội đồng an ninh quốc gia, với nhân sự từ nhiều cơ quan trọng yếu liên quan tình báo và quân đội. Suốt từ đó, WHSR trở thành nơi làm việc 24/24, giám sát thường trực mọi hoạt động tình báo-quân đội và lập báo cáo tổng hợp tóm tắt gửi trực tiếp tổng thống hàng ngày.
Những năm đầu mới thành lập, nhân sự WHSR gồm trung bình 30 người, chia thành năm nhóm (gọi là “Watch Team”), với mỗi nhóm có ba sĩ quan trực, một trợ lý thông tin và một chuyên gia phân tích tình báo (số nhân viên WHSR thay đổi tùy tình hình thực tế). Nhân viên WHSR được chọn cẩn thận từ những đề xuất của giới chức quân đội và tình báo.
Một ngày làm việc của WHSR bắt đầu bằng việc lập báo cáo buổi sáng (gọi là “Morning Book”) để trình tổng thống, phó tổng thống và một số viên chức an ninh cấp cao Tòa Bạch Ốc. “Morning Book” gồm Báo cáo tình báo quốc gia thường nhật (National Intelligence Daily), Báo cáo tóm tắt của Bộ ngoại giao (State Department’s Morning Summary), các bức điện ngoại giao và những báo cáo tình báo khác (được chọn lọc và phân loại theo từng chủ đề từ hàng trăm báo cáo nhận được mỗi ngày).
Ngoài “Morning Book”, WHSR còn đệ trình Báo cáo hàng ngày của tổng thống (President’s Daily Brief) được gửi từ CIA. Nhiệm vụ nhân viên WHSR còn phải theo dõi sát diễn biến các sự kiện thời sự quan trọng và báo tức thời cho Hội đồng an ninh quốc gia; đồng thời luôn chuẩn bị mọi dữ liệu, hình ảnh, biểu đồ, bản đồ… để khi được yêu cầu phải lập tức đệ trình. Hỗ trợ kỹ thuật cho nhân viên WHSR là hệ thống truyền nhận dữ liệu liên kết với tất cả cơ quan an ninh trọng yếu, từ CIA đến Ngũ Giác Đài; cùng hệ thống truyền hình-radio trực tiếp hoạt động 24/24.
Viên sĩ quan trực WHSR phải đảm bảo rằng tổng thống và cố vấn an ninh quốc gia không chỉ được báo cáo cập nhật liên tục về diễn biến một tình hình cụ thể mà còn cho thấy sự kiện đang được báo chí tường thuật dưới góc độ nào… Ngoài ra, WHSR chính là nơi sắp xếp thực hiện các cuộc điện đàm mật của tổng thống với nguyên thủ nước ngoài (cung cấp nhân viên thông dịch nếu cần).
Cuối cùng, WHSR là nơi tổ chức các cuộc họp an ninh quốc gia tuyệt mật cũng như điều phối trực tiếp một chiến dịch cụ thể, như trường hợp Nội các Barack Obama giám sát chiến dịch tiêu diệt Osama Bin Laden vào Tháng Năm 2011; hay như trường hợp Tổng thống Lyndon Johnson ngồi trong đó nhiều đêm ròng theo dõi các cuộc oanh tạc Bắc Việt Nam thời thập niên 1960…
Sau nhiều năm hoạt động, WHSR được nâng cấp toàn diện. Ngày 27 Tháng Mười Hai 2006, WHSR với diện mạo mới được mở cửa (chỉ một số nhà báo ít ỏi được mời tham quan). Phòng họp trong WHSR được gắn sáu màn hình truyền hình phẳng với hệ thống hội thảo video trực tiếp có thể lập mã an toàn cho giọng nói và biến hình ảnh thành tối đen khi cần thiết để bảo đảm tính tối mật. Điều này từng được thực hiện hồi chiến dịch lật đổ Baghdad năm 2003. Nhân viên trực WHSR trước kia ngồi dán mắt vào màn hình gắn trên tường giờ đây được xếp ngồi thành hai hàng quanh dàn máy tính đặt theo hình vòng cung.
Trước khi vào WHSR, tất cả nhân viên WHSR đều bị Mật vụ (Secret Service-SS) tịch thu điện thoại di động lẫn máy nhắn tin. Việc giấu thiết bị liên lạc khỏi cặp mắt SS là điều bất khả, bởi hệ thống cảm ứng lắp trên trần sẽ nhận biết tín hiệu điện tử phát ra từ thiết bị và thông báo ngay cho bộ phận an ninh. Cuộc trùng tu WHSR năm 2006 (mất bốn tháng rưỡi) cũng lắp thêm hệ thống video kết nối trực tiếp với chuyên cơ tổng thống (Air Force One)…
Trong cuộc trùng tu mới đây nhất, theo giám đốc WHSR Marc Gustafson, nơi thay đổi nhiều nhất là Phòng hội nghị John F. Kennedy (John F. Kennedy conference room), phòng lớn nhất trong WHSR. Trong chuyến tham quan dành cho giới báo chí vào đầu Tháng Tám 2023, giám đốc WHSR Marc Gustafson cho biết thêm, bàn làm việc trong Tầng Giám sát (Watch Floor) – nơi đầu não của WHSR – luôn có sự hiện diện của 17 quan chức đại diện cho những cơ quan trọng yếu, từ quân sự đến tình báo, cùng với Bộ Ngoại giao, Bộ An ninh Nội địa và một số cơ quan khác.
Ca ngày trong Watch Floor bắt đầu lúc 5 giờ sáng, kết thúc lúc 5 giờ chiều; và sau đó là nhóm trực đêm. Nhóm Watch Floor là những người chịu trách nhiệm thông báo tổng thống và các trợ lý hàng đầu của tổng thống về bất kỳ cuộc khủng hoảng nào. Nếu Triều Tiên bắn tên lửa vào lúc nửa đêm thì nhóm Watch Floor phải lập tức đánh thức viên chức quan trọng nào đó – thường là cố vấn an ninh quốc gia. Cá nhân ông Gustafson cũng thường xuyên bị đánh thức bởi những sự cố chính trị quan trọng trên thế giới.
Watch Floor cũng là nơi quản lý các cuộc gọi an toàn ra vào Tòa Bạch Ốc. Khi tổng thống muốn gọi điện cho một nhà lãnh đạo thế giới, thường không cần thông báo trước, một nhóm lên tới hàng chục người từ Watch Floor sẽ thiết lập kết nối video an toàn, bảo đảm rằng cả hai đầu dây đều đồng bộ và cuộc nói chuyện chắc chắn được thực hiện suôn sẻ.
Ông Gustafson và cấp phó của ông có hai văn phòng làm việc riêng rẽ; đều được gắn tường kính, nằm phía sau Watch Floor. Kính sẽ chuyển sang mờ đục khi phòng bật công tắc đèn. Năm 2022, trong thời gian WHSR được đại tu, Tổng thống Biden và các trợ lý hàng đầu của ông phải sử dụng các phòng an ninh khác ở Chái Tây và một số phòng trong Eisenhower Executive Office Building cạnh bên Tòa Bạch Ốc.
Tổng thống Biden đã tổ chức cuộc họp đầu tiên tại WHSR với không gian mới vào Thứ Ba 5 Tháng Tám 2023, hai ngày trước khi ông lên đường thực hiện chuyến công du tới Ấn Độ và Việt Nam.
Xem thêm: Tin tức thời sự Hà Nội mới nhất tại báo ĐSPL.
Hastags: #Bên #trong #căn #phòng #bí #mật #nhất #nước #Mỹ
Nguồn bài viết: saigonnhonews.com
Hgvt.edu.vn trang tổng hợp kiến thức giáo dục, công nghệ, đời sống. Bạn có thể tự đánh giá nội dung và trở thành cộng tác viên của chúng tôi
Leave a Reply