Văn học nghệ thuật đang đi vào tình trạng suy thoái và suy giảm, đòi hỏi sự can thiệp để phục hồi và phát triển..
Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu trong hội thảo khoa học Tiếp tục đổi mới, sáng tạo tác phẩm hay; góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa, văn nghệ của đất nước diễn ra ngày 17-10 tại Hà Nội.
Sự kiện do Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức, để trả lời cho câu hỏi: Làm sao để có một tác phẩm hay?
“Văn học nghệ thuật đang sa sút, xuống cấp”
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, đánh giá thực trạng văn học nghệ thuật của Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới, nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã biểu dương lực lượng văn nghệ sĩ rất nhiều. Đồng thời đề cập đến một tồn tại: chúng ta vẫn còn thiếu tác phẩm tầm cỡ, phản ánh sinh động công cuộc đổi mới của đất nước.
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, tiếp tục đổi mới để có tác phẩm hay trở thành nội dung trung tâm để thực hiện nghị quyết trên, cũng là triển khai ý kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 vào tháng 11 năm ngoái nhằm chấn hưng nền văn học nghệ thuật Việt Nam.
“Sở dĩ phải chấn hưng vì so với sự phát triển, văn học nghệ thuật của ta đang sa sút xuống cấp, có những mặt yếu kém, không mặt này thì mặt khác”, ông Hữu Thỉnh chia sẻ.
Ông dẫn chứng trong lĩnh vực văn học, sau 9 năm của cuộc kháng chiến chống Pháp, Việt Nam có một mùa gặt của văn học những năm 60 của thế kỷ trước. Sau chiến tranh chống Mỹ, chúng ta tiếp tục có một mùa gặt khác…
“Sao lúc đó đất nước khó khăn, bộn bề nhưng lại xuất hiện nhiều tiểu thuyết, tập trường ca hay. Có nghĩa, văn học nghệ thuật có quan hệ với kinh tế nhưng không phụ thuộc vào kinh tế”, ông nói.
Sau 30 năm đổi mới, đời sống đi lên nhưng văn học nghệ thuật cần phải chấn hưng. Ở mặt nào đó, văn học nghệ thuật phát triển chưa đồng thuận với kinh tế.
Nhà thơ Hữu Thỉnh nói: “Trước sức ép về mặt kinh tế, chúng ta vội vã tinh giảm biên chế, rồi gán ghép các bộ môn, thể loại vào một trung tâm mà không có cái gì chuyên sâu cả, làm phương hại đến tư tưởng chỉ đạo nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (tức khắc phục nghiệp dư hóa). Đã nghiệp dư hóa thì làm sao có tác phẩm hay được”. Ông nói chúng ta nên suy nghĩ lại phương thức này đã thực sự tối ưu chưa.
Nhà thơ Hữu Thỉnh đặt thêm một số câu hỏi về quy hoạch lại lực lượng, về đổi mới sáng tạo cũng như tháo gỡ những vướng mắc của văn nghệ sĩ trong văn học nghệ thuật.
Văn nghệ sĩ phải bắt kịp trí tuệ của nhân dân
Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, nền văn học nghệ thuật của ta không phải không có những tác phẩm hay nhưng “dường như giờ đây, chúng ta thiếu sự bình tĩnh để đọc, để nghe, để xem”. Đó là lý do vì sao đánh giá tình hình văn học nghệ thuật hiện nay vẫn chưa có một sự thống nhất.
Trước hiện thực của đời sống xã hội, người dân trở nên hồi hộp, lo âu. Nhà thơ Vũ Quần Phương nói: “Tôi đi chùa, thấy người dân mong Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có sức khỏe để tiếp tục công cuộc chống tham nhũng. Trong khi đó, đồng tiền len lỏi vào các ngóc ngách của đời sống, len vào cả văn hóa nghệ thuật. Văn nghệ sĩ chọn mổ xẻ hay lờ đi?”.
“Văn nghệ sĩ chỉ trở thành văn nghệ sĩ khi có công chúng. Văn nghệ sĩ phải nâng cao thẩm mỹ như thế nào để bắt kịp với trí tuệ, với sự mong mỏi của nhân dân”, ông đặt vấn đề.
Trọng dụng và tôn vinh sáng tạo cá nhân
Để có những tác phẩm hay, PGS.TS Đỗ Hồng Quân – chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam – cho rằng cần phát hiện, bồi dưỡng và tạo điều kiện tốt nhất cho tài năng phát triển.
Đồng thời, mạnh dạn thảo luận, đề xuất những giải pháp hữu hiệu để kiện toàn tổ chức, đáp ứng những đòi hỏi cao về phẩm chất và năng lực chuyên môn… trong vấn đề quản lý văn học nghệ thuật.
NSND Trần Quốc Chiêm góp ý xây dựng hệ thống đánh giá khoa học về chất lượng tác phẩm văn hóa và có cơ chế khích lệ, động viên kịp thời những tác phẩm xuất sắc.
Nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu – phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam – nói thêm, những nhà quản lý cũng cần thấu hiểu vai trò và giá trị của văn học nghệ thuật, thấu hiểu những trăn trở của nghệ sĩ, sẵn lòng đồng hành cùng nghệ sĩ.
Không trọng dụng và tôn vinh sáng tạo cá nhân, thì dù có đổ bao nhiêu trăm nghìn tỉ vào chấn hưng văn hóa văn nghệ thì vẫn khó mà gây dựng một môi trường tốt.
Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Châu
Trong bài tham luận của mình, NSND Vương Duy Biên – phó chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, phó chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật – đề cập đến vấn đề đổi mới đầu tư cho sáng tạo văn hóa nghệ thuật, đổi mới tư duy công bố tác phẩm.
Theo ông Biên, lâu nay, “đầu tư cho văn học nghệ thuật vẫn mang tính xin – cho, chưa thành một cơ chế, chính sách ổn định mang tính chiến lược”.
“Sắp tới là kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, đây là dịp để liên hiệp đánh giá lại công tác của liên hiệp đã đạt được gì và chưa đạt được gì. Để có thể tiếp tục đổi mới, sáng tạo tác phẩm hay, góp phần chấn hưng văn hóa, văn nghệ của đất nước, thì việc chỉ ra những điểm yếu và tìm cách khắc phục trong thời gian tới là việc làm hết sức cần thiết”.
(GS.TS Lê Hồng Lý – chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật, chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam)
Xem thêm: Tin tức thời sự Hà Nội mới nhất tại báo ĐSPL.
Hastags: #Cần #chấn #hưng #vì #văn #học #nghệ #thuật #đang #sút #xuống #cấp
Nguồn bài viết: tuoitre.vn
Hgvt.edu.vn trang tổng hợp kiến thức giáo dục, công nghệ, đời sống. Bạn có thể tự đánh giá nội dung và trở thành cộng tác viên của chúng tôi
Leave a Reply